Quy định mới về người đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Quy định mới về người đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Trong cuộc sống hàng ngày, các chủ thể thường tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì một lý do nhất định các chủ thể không thể trực tiếp tham gia các giao dịch dân sự mà thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua người khác, gọi là người đại diện.

Khoản 1, Điều 134 Bộ Luật dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”

So với quy định tại Điều 139 BLDS 2005 thì Điều 134 BLDS 2015 đã có những thay đổi khi quy định về chủ thể của quan hệ đại diện. Cụ thể: Theo quy định của Điều 134 BLDS 2015 thì chủ thể của quan hệ đại diện (gồm cả bên đại diện và bên được đại diện) chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân chứ không quy định chung chung, bao gồm cả cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác như BLDS 2005 . Quy định này một mặt giúp xác định rõ ràng, cụ thể hơn về chủ thể của quan hệ đại diện, mặt khác thể hiện sự thống nhất với phạm vi điều chỉnh của BLDS 2015, theo đó BLDS 2015 chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân (Điều 1 BLDS), không bao gồm các chủ thể khác (hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) như BLDS 2005.

Tóm lại, theo quy định của Điều 134 BLDS 2015, đại diện là việc một cá nhân, pháp nhân (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của một cá nhân, pháp nhân khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Mục đích của việc xác lập quan hệ đại diện là để giúp người được đại diện giao dịch với một bên thứ ba, thông qua người đại diện. Khi đó, người đại diện nhân danh người được đại diện xác lập các quyền và nghĩa vụ với người thứ ba, gây hậu quả pháp lý đến người được đại diện.

♦ Căn cứ xác lập quyền đại diện

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 139 BLDS 2005, “quan hệ đại diện được xác lập  theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền”. Đồng thời, Điều 140 BLDS 2005 định nghĩa về đại diện theo pháp luật như sau: “Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.

BLDS 2015 đã lược bỏ Điều 140 BLDS 2005, đồng thời tích hợp nội dung của Điều luật này với Khoản  3 Điều 139  BLDS 2005  để  hình thành một  Điều luật mới là Điều 135 quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn về căn cứ xác lập quyền đại diện. Cụ thể, Điều 135 BLDS 2015 quy định: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đ ây gọi là  đại  diện  theo  ủy  quyền); theo  quyết  định  của cơ quan nhà  nước có thẩm quyền, theo  điều  lệ  của  pháp  nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”

Như vậy, về cơ bản, BLDS 2005 và BLDS 2015 đều quy định căn cứ để xác lập quan hệ đại diện là theo ủy quyền hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, BLDS 2015 quy định rõ hơn về đại diện theo pháp luật bao gồm: (i) đại diện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) đại diện theo điều lệ của pháp nhân; (iii) và các trường hợp đại diện theo pháp luật khác.

luat su hinh su
♦ Đại diện theo pháp luật

Điều 136 BLDS 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân : “Đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm:

  1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

luật sư hình sự

Điều 137 BLDS 2015, trên cơ sở kế thừa khoản 4 Điều 141 BLDS 2005, quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân:

“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

  1. a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
  2. b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
  3. c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
  4. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và  mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nh n theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”

So với BLDS 2005, BLDS 2015 bãi bỏ khoản 6, khoản 7 Điều 141 BLDS 2005 về đại diện theo pháp luật là tổ trưởng đối với tổ hợp tác và chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình, đồng thời tách nội dung còn lại của điều luật này thành 02 điều luật mới là Điều 136 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân, và Điều 137 quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhằm quy định cụ thể hơn về những người đại diện theo pháp luật của cá nhân, pháp nhân. Có thể thấy sự thay đổi này của BLDS 2015 một mặt nhằm quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về đại diện theo pháp luật, mặt khác đảm bảo sự thống nhất giữa chế định đại diện với phạm vi điều chỉnh mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005 là chỉ điều chỉnh quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân mà không bao gồm các chủ thể khác như tổ hợp tác, hộ gia đình…

♦ Đại diện theo ủy quyền

Điều 138 BLDS 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:

“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

  1. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
  2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”

So sánh nội dung Điều 143 BLDS 2005 và Điều 138 BLDS 2015, thì quy định của BLDS 2015 có những điểm mới sau đây: Thứ nhất, quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về chủ thể của quan hệ đại diện theo ủy quyền, theo đó người đại diện theo ủy quyền có thể là pháp nhân, cá nhân; người được đại diện theo ủy quyền cũng có thể là pháp nhân, cá nhân. Thứ hai, quy định về đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Cụ thể, các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của  các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Đây là quy định rất mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005, vì theo Điều 141 BLDS 2005 thì đại diện của tổ hợp tác là tổ trưởng tổ hợp tác, đại diện cho hộ gia đình là chủ hộ gia đình và đây là đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLDS 2015 thì các thành viên của tổ hợp tác và hộ gia đình có thể thỏa thuận cử cá nhân (có thể không phải là tổ trưởng hay chủ hộ) hoặc một pháp nhân khác là đại diện ủy quyền cho mình.

♦ Phạm vi đại diện

Điều 144 BLDS 2005 quy định về phạm vi đại diện như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  1. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền.
  2. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
  3. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
  4. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

luat su thua ke

Có thể thấy việc xác định phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLDS 2005 là chưa rõ ràng, có sự trùng lắp giữa quy định về phạm vi đại diện với căn cứ xác lập quan hệ đại diện và điều kiện làm phát sinh hiệu lực pháp lý của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập với người thứ ba.

luật sư thừa kế

Khắc phục hạn chế của Điều 144 BLDS 2005, Điều 141 BLDS 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau:

“1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

  1. a) Quyết định của cơ quan có thẩm  quyền;
  2. b) Điều lệ của pháp nhân;
  3. c) Nội dung ủy quyền;
  4. d) Quy định khác của pháp luật.
  5. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  6. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  7. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.”

Có thể thấy  quy định của Điều 144 BLDS 2005 là rất rõ ràng, dễ hiểu; nội dung điều luật thống nhất với tiêu đề của điều luật. Theo đó, Điều 144 BLDS 2015 nêu rất rõ căn cứ để xác định phạm vi ủy quyền tương ứng với từng hình thức đại diện. Đối với đại diện theo pháp luật, phạm vi ủy quyền được xác định căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc xác định theo điều lệ của pháp nhân; đối với đại diện theo ủy quyền, phạm vi ủy quyền xác định căn cứ vào nội dung ủy quyền.

♦ Hậu quả pháp lý của hành vi đại diệnTrong quan hệ đại diện, có các mối quan hệ sau được hình thành. Thứ nhất là quan hệ giữa người được đại diện và người đại diện, trong mối quan hệ này, người đại diện sẽ  thực hiện những nghĩa vụ trong phạm vi đại diện. Ví dụ: cha mẹ đại diện cho con chưa thành niên, vợ/chồng đại diện (giám hộ) cho người còn lại không có năng lực hành vi dân sự. Đây chính là cơ sở làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện. Thứ hai là quan hệ giữa người đại diện với người thứ ba, đây là quan hệ phát sinh trên cơ sở mối quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, phụ thuộc vào nội dung mối quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện. Trong quan hệ này, người đại diện phải thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi đại diện của mình. Nói cách khác, việc xác định hậu quả pháp lý của hành vi đại diện có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhiều chủ thể.

Trong BLDS 2005, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện được quy định tại khoản 4 Điều 139 như sau: “Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập”.

BLDS 2015 phát triển khoản 4 Điều 139 BLDS 2005 thành một điều luật riêng là Điều 139 quy định về hậu quả pháp lý của hành vi đại diện như sau: 

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

  1. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
  2. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác  lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.”

Có thể thấy là quy định của khoản 4 Điều 139 BLDS 2005 là chưa rõ ràng, có thể gây ra những bất lợi nhất định cho người đại diện, cho bên thứ ba, đồng thời có thể làm phát sinh tranh chấp giữa các bên, ví dụ như trường hợp người đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba nhưng không phù hợp với phạm vi đại diện. Điều 139 BLDS 2015 đã khắc phục hạn chế này, theo đó quy định cụ thể là người được đại diện chỉ có các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập với người thứ ba nếu giao dịch này phù hợp với phạm vi đại diện; đồng thời nếu người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

♦ Thời hạn đại diện và chấm dứt đại diện

Trong chế định đại diện của BLDS 2005 không quy định nào về thời hạn đại diện; việc chấm dứt đại diện được quy định tại 02 điều luật, cụ thể là Điều 147 về chấm dứt đại diện của pháp nhân và Điều 148 về chấm dứt đại diện của cá nhân.

Điều 140 BLDS 2015 quy định về thời hạn đại diện, trong đó, khoản 1, khoản 2 Điều 140 quy định về thời hạn đại diện; khoản 3 Điều 140 quy định về chấm dứt đại diện theo ủy quyền; và khoản 4 Điều 140 quy định về chấm dứt đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 140 BLDS 2015, thời hạn đại diện được xác định như sau:

“1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn ản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

  1. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được ác định như sau:
  2. a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;  b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời   hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.”

Thời hạn đại diện là một căn cứ pháp lý quan trọng nhằm xác định hiệu lực pháp lý của các giao dịch dân sự do người đại diện xác lập với người thứ ba, từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của người được đại diện. Nếu các giao dịch dân sự này được xác lập ngoài thời hạn đại diện sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ tương ứng của người được đại diện. Vì vậy, việc BLDS 2015 bổ sung quy định về việc xác định thời hạn đại diện là một điểm rất tiến bộ so với BLDS 2005 nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự có liên quan, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Về chấm dứt đại diện, như trên đã nêu, theo quy định của BLDS 2005, việc chấm dứt đại diện được chia là làm 02 trường hợp, tương ứng với 02 điều luật riêng, là chấm dứt đại diện của cá nhân và chấm dứt đại diện của pháp nhân. Về kỹ thuật lập pháp, một mặt BLDS 2005 quy định về hai hình thức đại diện, (phân loại đại diện) theo nguồn gốc hình thành quan hệ đại diện là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền, mặt khác lại quy định về việc chấm dứt dại diện theo chủ thể đại diện là đại diện của pháp nhân và đại diện của cá nhân là chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của chế định đại diện. Khắc phục nhược điểm này của BLDS 2005, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 140 BLDS 2015, việc chấm dứt đại diện được xem xét trong hai trường hợp, tương ứng với hai hình thức đại diện là chấm dứt đại diện theo pháp luật và chấm  dứt đại diện theo ủy quyền. Cụ thể như sau:

Khoản 3 Điều 140 BLDS 2015 quy định: “Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. a) Theo thỏa thuận;
  2. b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
  3. c) Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
  4. d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

  1. e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
  2. g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.”

Khoản 4 Điều 140 BLDS 2015 quy định: “Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục; 
  2. b) Người được đại diện là cá nhân chết;
  3. c) Người  được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
  4. d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

♦ Các trường hợp không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện

Khoản 1 Điều 139 BLDS 2015 quy định: “ Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.”. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp những giao dịch dân sự do một người đại diện cho người khác xác lập, thực hiện mà không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện. Khi đó, hậu quả của các giao dịch dân sự do người đại diện không có thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xác lập sẽ được giải quyết như thế nào?

Thứ nhất, về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện:

Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện được quy định tại Điều 145 BLDS 2005, và Điều 142 BLDS 2015. Về cách thức trình bày, so với quy định của Điều 145 BLDS 2005 thì Điều 142 BLDS 2015 trình bày khoa học hơn, dễ theo dõi hơn theo phương pháp liệt kê; và nội dung được quy định cũng rõ ràng hơn.

Về nội dung, điểm mới của Điều 142 BLDS 2015 là: i) bổ sung thêm trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện nhưng vẫn có thể có  hiệu lực nếu người đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện; ii) bỏ quy định về trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện nhưng vẫn có thể có hiệu lực do người đại diện đồng ý; iii) bổ sung quy định người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện:

Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định tại Điều 146 BLDS 2005, và Điều 143 BLDS 2015. Về cách thức trình bày, so với quy định của Điều 145 BLDS 2005 thì Điều 142 BLDS 2015 trình bày khoa học hơn, dễ theo dõi hơn theo phương pháp liệt kê; và nội dung được quy định cũng rõ ràng hơn.

Về nội dung, điểm mới của Điều 143 BLDS 2015 là: i) bổ sung trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện nhưng vẫn làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, nếu người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện; ii) bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba là “trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch”; iii) bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người được đại diện là “trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”.

Tóm lại, chế định đại diện theo quy định của BLDS 2015 có nhiều điểm mới so với quy định của BLSD 2005. Những điểm mới tiêu biểu gồm có: người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được xác định theo điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và  pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền cho các chủ thể khác; đại diện theo  pháp luật có quyền nhân danh bên được đại diện xác lập, thực hiện hành vi pháp lý phù hợp với quyền, nghĩa vụ của đại diện theo pháp luật. Trường hợp pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật thì mỗi người có quyền đại diện cho pháp nhân phù hợp với quyền, nghĩa vụ của mình. Giao dịch dân sự do bên đại diện xác lập, thực hiện với bên thứ ba phù hợp với phạm vi quyền đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của bên được đại diện. Bên đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết tùy thuộc hoàn cảnh để đạt được mục đích phù hợp với phạm vi quyền đại diện… Có thể thấy là những sửa đổi, bổ sung của BLDS 2015 về đại diện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo điều kiện pháp lý tốt hơn trong việc trợ giúp cá nhân, pháp nhân thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của mình và hạn chế rủi ro pháp lý trong các quan hệ dân sự.

Liên hệ ngay Hotline: 024 6653 9546 Để được tư vấn chi tiết về các thủ tục trước và sau thành lập cùng nhiều thủ tục pháp lý khác.

——————————————————

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Dream Law

SĐT: 02466539546

Email: dreamlawllc@gmail.com

Website: https://dreamlaw.vn/

 

SEND REQUEST FOR INFORMATION CONSULTING

You can contact directly to register

Email: dreamlawllc@gmail.com

Phone: 0977.431.879

Or leave the registration information to attend

[contact-form-7 404 "Not Found"]