NHỮNG CÔNG VIỆC DOANH NGHIỆP CẦN LÀM TRONG THÁNG 06/2020

NHỮNG CÔNG VIỆC DOANH NGHIỆP CẦN LÀM TRONG THÁNG 06/2020

 

Khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài các công việc liên quan đến hoạt động chuyên môn, hàng tháng doanh nghiệp cần phải lưu ý đến hoạt động khác như nộp các báo cáo, tờ khai hay thông báo tình hình lao động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh tình trạng bị xử phạt vi phạm đáng tiếc.

Trong bài viết này, Dream Law sẽ cung cấp những thông tin mà doanh nghiệp cần làm trong tháng 06/2020, bao gồm những công việc sau:

  1. Nộp báo cáo tình hình biến động lao động

Trong tháng 05/2020 nếu doanh nghiệp có sự biến đổi lao động như tăng, giảm lao động thì cần phải tiến hành thông báo tình hình biến động lao động đó với cơ quan có thẩm quyền.

Nếu doanh nghiệp có sự thay đổi về số lượng lao động thì doanh nghiệp phải tiến hành thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo mẫu kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH trước ngày 03/06/2020 tính theo tháng dương lịch.

Trong trường hợp doanh nghiệp có số lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải tiến hành thông báo biến động ngay đến Trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ, không phải đến trước ngày 03/06/2020.

Mức phạt:

Nếu doanh nghiệp không tiến hành thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có biến động lao động làm việc tại doanh nghiệp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 4.000.000 đồng đối với hành vi trên theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.

  1. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Đối với những doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế theo tháng thì chậm nhất vào ngày 20/06/2020, doanh nghiệp phải tiến hành nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 05/2020, tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng 05/2020 và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn tháng 05/2020 cho cơ quan có thẩm quyền là cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cần lưu ý khi doanh nghiệp trả thu nhập cho người lao động có phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải nộp tờ khai thuế. Còn nếu trong tháng mà doanh nghiệp trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không cần phải kê khai thuế.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế không quá 30 ngày, chậm nhất vào ngày 20/07/2020 nếu xảy ra thiên tai, hỏa hoạn hay tai nạn bất ngờ và được thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế.

Doanh nghiệp có thể tham khảo về thời hạn, địa điểm nộp tờ khai và báo cáo trên tại Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ.

Mức phạt:

Trường hợp doanh nghiệp không nộp tờ khai hoặc nộp tờ khai thuế quá thời hạn quy định thì tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt với mức phạt khác nhau. Có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể.

Đối với hành vi nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thì sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm báo cáo từ ngày thứ 01 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết hạn nộp.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp chậm báo cáo sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 8.000.000 đồng đối với hành vi không nộp báo cáo gửi cơ quan thuế, được tính là sau 20 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.

Ngoài ra, bên cạnh biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, đó là phải tiến hành lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và gửi lại cho cơ quan thuế theo đúng quy định.

  1. Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

Doanh nghiệp phải tiến hành trích tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tháng 06/2020 của người lao động chậm nhất vào ngày 30/06/2020.

Doanh nghiệp tiến hành nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Đối với chi nhánh của doanh nghiệp thì chi nhánh trích nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở của chi nhánh hoặc có thể nộp tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chuyển tiền trích nộp đó vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Mức phạt:

Đối với trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản nhưng không quá 75.000.000 đồng.

Trường hợp doanh nghiệp không tiến hành đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản.

Trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 70.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hình sự hiện hành.

  1. Nộp kinh phí công đoàn

Doanh nghiệp phải nộp kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Có nghĩa là, vào tháng 06/2020, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn chậm nhất vào ngày 30/06/2020 tại Liên đoàn lao động cấp huyện nơi doanh nghiệp tiến hành đăng ký kinh doanh.

Mức phạt:

Nếu doanh nghiệp chậm đóng kinh phí công đoàn hoặc đóng không đúng mức, không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Đối với hành vi không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với doanh nghiệp là chậm nhất 30 ngày từ ngày có quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải đóng đầy đủ tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, tiền lãi chưa đóng theo lãi suất không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm xử phạt.

  1. Hoạt động khác

Doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động khác như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động định kỳ hay tiến hành thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp để chuẩn bị cho báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm gửi trước ngày 05/07/2020.

Để biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề pháp lý khác liên quan đến tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, liên hệ ngay Hottline: 024 6653 9546

——————————————————
Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Dream Law

Địa chỉ: P401, Số 68 Phan Kế Bính, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội

SĐT: 02466539546

Email: dreamlawllc@gmail.com

Website: https://dreamlaw.vn/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

SEND REQUEST FOR INFORMATION CONSULTING

You can contact directly to register

Email: dreamlawllc@gmail.com

Phone: 0977.431.879

Or leave the registration information to attend

[contact-form-7 404 "Not Found"]